- Blog/
How to learn languages naturally
Table of Contents
Acquisition vs. learning #
Một giả thuyết mà mình cảm thấy rất đúng, dựa trên kinh nghiệm học tiếng Anh của bản thân và cả kinh nghiệm đi dạy học: “học” tiếng Anh (English learning) và “tiếp thu” tiếng Anh (English acquisition) là 2 thứ rất khác nhau.
“Học” tiếng Anh là những gì mà mọi học sinh đã và đang làm: học từ vựng, văn phạm, thành ngữ, phrasal verbs, collocation, v.v. Những thứ này đương nhiên rất hữu ích để cải thiện khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là khi làm kiểm tra hoặc thi chứng chỉ ngoại ngữ. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có thể sử dụng được thành thạo tiếng Anh.
Trái lại, việc “tiếp thu” ngôn ngữ đa phần diễn ra một cách rất tự nhiên, không nhồi nhét. Chẳng hạn như khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ không cần giải thích cho chúng ta danh từ, động từ là gì; hay một câu phải có chủ ngữ vị ngữ; hay thì hiện tại là như thế nào v.v. Bởi khi còn nhỏ, chỉ cần nghe và nhìn người lớn nói chuyện, tiềm thức của một đứa trẻ sẽ từ từ hiểu được các khái niệm của ngôn ngữ như nghĩa của từ vựng, cú pháp, văn phạm, mà không cần ai phải giải thích cả. Đây chính là quá trình tiếp thu ngôn ngữ.
Tiếp thu ngôn ngữ là một quá trình thụ động, không đòi hỏi người học phải tập trung. Thứ duy nhất chúng ta cần là dữ liệu - càng nhiều càng tốt. Mình không khẳng định đây là cách nhanh nhất hay hiệu quả nhất để thành thạo tiếng Anh, nhưng tiếp cận dữ liệu (hay nói cách khác là nội dung tiếng Anh) là điều mà ai cũng có thể làm được rất dễ dàng trong thời đại internet 4.0 này.
Điều này không có nghĩa việc “học” tiếng Anh là không hữu ích. Trong lúc học ngoại ngữ, học sinh vẫn sẽ tiếp thu được tiếng Anh, dù ít hay nhiều. Nhưng theo mình việc chỉ học thuộc những kiến thức trong sách vở là chưa đủ để người học có thể tiếp thu tiếng Anh đến mức độ có thể sử dụng được.
Tiếp thu ngôn ngữ #
Để hiểu khái niệm tiếp thu ngôn ngữ một cách hiệu quả, hãy xem thử ví dụ sau:
ringo o taberu
Sau khi nghe và đọc câu này, bạn hiểu được bao nhiêu phần trăm? Nếu bạn không biết nói tiếng Nhật, con số đó có lẽ là 0.
Ví dụ thứ 2:
ringo o taberu
Bây giờ bạn hiểu được bao nhiêu? Có thể bạn cũng chưa hiểu cụ thể từng từ, nhưng não bạn đang có một khái niệm mơ hồ nào đó về câu này: nó có nghĩa liên quan gì đó tới ăn táo
.
Và ví dụ thứ 3:
biiru o nomu
Có thể bạn chỉ hiểu nguyên cụm biiru o nomu
nghĩa là uống bia, cũng có thể bạn đoán biiru
là bia/beer vì cách đọc có phần giống tiếng Việt/tiếng Anh, nên o nomu
là uống. Hoặc thậm chí bạn có thể nhận ra được nếu o nomu
là uống thì o taberu
ở ví dụ trước có khả năng rất cao là ăn. Không chỉ có kiến thức về từ vựng, tiềm thức của bạn có thể đang có một ý thức mơ hồ nào đó về văn phạm và cú pháp của ngôn ngữ này như “danh từ đứng trước” hay “động từ đứng sau”.
Chính vì vậy, cách tiếp thu tiếng Anh là đọc hoặc xem nội dung tiếng Anh, và để não bạn tự kết nối nội dung đó với ngữ cảnh.
Não của bạn là một cỗ máy rất giỏi việc nhận dạng kiểu mẫu (pattern recognition) và đoán trước kiểu mẫu (pattern prediction), thậm chí còn giỏi hơn cả ChatGPT. Có nghĩa là khi não bộ đã quen với một kiểu mẫu nào đó - như cú pháp hay văn phạm trong tiếng Anh chẳng hạn - nó sẽ tự điền vào chỗ trống dựa trên tất cả thông tin mà nó có được từ mắt và tai.
Khoa học nói gì #
Một nghiên cứu năm 2016 đã so sánh khả năng tiếng Anh giữa 3 nhóm đối tượng: nhóm xem phim tiếng Anh không có phụ đề, nhóm xem phim tiếng Anh có phụ đề tiếng Anh, và nhóm xem phim tiếng Anh có phụ đề là ngôn ngữ mẹ đẻ (trong nghiên cứu này là tiếng Tây Ban Nha). Các đối tượng này được kiểm tra 2 kĩ năng là nghe (listening) và từ vựng (vocabulary) trong 1 tập phim trước và sau khi xem tập phim đó.
Chúng ta có thể thấy, trong 3 nhóm đối tượng, nhóm có cải thiện rõ rệt nhất là nhóm xem phim có phụ đề tiếng Anh (+16.9% Listening và +6% Vocabulary), sau đó là nhóm xem phim không có phụ đề (+7.1% Listening và +8.7% Vocabulary). Nhóm phụ đề tiếng Tây Ban Nha (tiếng mẹ đẻ) không có cải thiện. Không những vậy, những đối tượng xem phim có phụ đề tiếng Anh hiểu được khoảng 80% nội dung chính của tập phim, so với ~60% nội dung chính mà nhóm xem phim không phụ đề hiểu được.
Luyện phát âm #
Một lưu ý nhỏ là bạn không cần phải lặp lại hay phát âm các từ mới để có thể tiếp thu một ngôn ngữ. Đã có những nghiên cứu về người câm cho thấy khả năng ngôn ngữ của họ ngang ngửa với những người có khả năng nói bình thường.
Dù vậy, việc luyện tập phát âm và ngữ điệu tất nhiên cũng cần thiết cho việc giao tiếp bằng tiếng Anh. Do đó, khi xem phim hay Youtube, nếu gặp cụm từ nào bạn cảm thấy hay hoặc có ích, bạn có thể tập phát âm bằng cách lặp lại theo phim. Hãy cố gắng bắt chước theo cách nhấn từ và nhấn câu của họ. Ban đầu bạn có thể lặp lại 1-2 âm, sau đó tăng dần lên thành 1-2 từ, một cụm từ, một câu, v.v. Tuy nhiên không nên dành quá nhiều thời gian cho phát âm, tránh để nó làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu tiếng Anh. Bạn có thể luyện phát âm trong lúc học, nên đừng quá chú trọng nó trong lúc giải trí.
Nên đọc và xem những gì #
Hãy tham khảo bài viết này để có một số gợi ý về sách, phim, và những kênh Youtube hay.
Ngoài ra, một chi tiết quan trọng nữa là hãy chọn những phim hay sách mà bạn thật sự hứng thú. Khi não có tâm trạng tốt và thư giãn, nó sẽ tiếp thu hiệu quả hơn. Đừng ép bản thân xem hay đọc thứ gì mà bạn không thích. Nên nhớ: việc tiếp thu ngôn ngữ nên diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái.
Áp dụng #
Nên đọc và xem nội dung tiếng Anh càng nhiều càng tốt để cải thiện. Hãy xem phim trong thời gian rảnh như một cách để giải trí. Thời gian đầu có thể bạn sẽ không hiểu được nhiều và cảm thấy chán, tuy nhiên hãy cố gắng tập trung vào những gì mình hiểu để suy đoán về những gì không hiểu, dần dần não bạn sẽ quen hơn và hiểu ngày càng nhiều hơn.
Lưu ý #
Để có kết quả tốt nhất, người học không nên sử dụng từ điển (khi xem phim, đọc sách) vì 2 lí do:
- Việc dừng lại dò từ khiến bạn xem phim hoặc đọc sách bị ngắt quãng, khiến cho tốc độ tiếp thu chậm lại. Bạn không cần hiểu hết, chỉ cần cố gắng hiểu ý chính là được.
- Việc ngắt quãng này cũng sẽ làm cho bạn mất hứng và mất tập trung. Hãy cố gắng tập trung vào cốt truyện hoặc nội dung chính, và để não của bạn tự làm những gì còn lại.